Sân chơi ngày càng “phẳng”
(BĐT) – Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã góp phần mang đến những bước phát triển vượt bậc cho hoạt động đấu thầu, thể hiện ở số gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng (ĐTQM) ngày càng nhiều, số lượng nhà thầu tham dự trung bình tại mỗi gói thầu ngày càng tăng. Khi năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu được công khai, cơ sở dữ liệu liên thông với nhiều bên, dễ dàng đối chiếu, kiểm tra, cạnh tranh giữa các nhà thầu tại nhiều cuộc thầu gần như chỉ ở yếu tố giá.
Nhiều cuộc thầu chỉ còn cạnh tranh về giá
Theo thống kê của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP), số gói thầu đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện ĐTQM đến tháng 8/2024 đạt 100%; tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM 8 tháng đầu năm 2024 đạt 541.804 tỷ đồng (98,517%) với 283.357 gói thầu được ĐTQM.
Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8/2024, số lượng gói thầu có trên 10 nhà thầu tham dự (không tính gói thầu có nhiều lô/phần) là 368 gói thầu; tổng giá gói thầu là 1.581,378 tỷ đồng. Trong đó, nhiều gói thầu có phần lớn nhà thầu tham dự đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) nên giá dự thầu gần như trở thành yếu tố quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT).
Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) Gói thầu số 03 Mua sắm tập trung 180 máy vi tính xách tay thuộc Dự toán Mua sắm tài sản tập trung của tỉnh năm 2024 do Trung tâm Dịch vụ tài chính công tỉnh Cà Mau mời thầu cho thấy, 28 nhà thầu tham dự đều đáp ứng yêu cầu của HSMT. Công ty TNHH MTV Tiến Thịnh có giá dự thầu thấp nhất và được công bố trúng thầu với giá 2,165 tỷ đồng (giá gói thầu 2,627 tỷ đồng).
Gói thầu Trang bị máy vi tính phục vụ công tác của Cơ quan Tổng công ty năm 2024 thuộc dự toán mua sắm cùng tên do Tổng công ty Phát điện 3 mời thầu vào tháng 5/2024 thu hút sự tham gia của 25 nhà thầu. Trong đó, 24 nhà thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất – Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ viễn thông Hai Kết Nối – được công bố trúng thầu với giá 1,094 tỷ đồng (giá gói thầu 1,432 tỷ đồng).
Được Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính (Hải Dương) mời thầu vào tháng 6/2024, Gói thầu số 2 Cung ứng máy tính để bàn thuộc Dự toán Mua sắm máy tính để bàn, bàn ghế lớp học thuộc danh mục mua sắm tập trung cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh quản lý năm 2024 (đợt 2) thu hút 19 nhà thầu tham gia. Theo Báo cáo đánh giá HSDT, 10 nhà thầu có HSDT đáp ứng yêu cầu của HSMT. Công ty TNHH Giải pháp công nghệ TEK-Solution có giá dự thầu thấp nhất và trúng thầu với giá 1,384 tỷ đồng (giá gói thầu 2,25 tỷ đồng).
Tại nhiều gói thầu xây lắp, cạnh tranh cũng trở nên khắc nghiệt hơn khi có đông đảo nhà thầu tham dự và hầu hết đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Tháng 7/2024, Công ty Điện lực Chương Mỹ mời thầu Gói thầu số 8 Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng mới 3 xuất tuyến 22kV từ trạm biến áp 110kV Chương Mỹ đến cột 39 lộ 470E1.51 sau trạm biến áp 110kV Phú Nghĩa, trạm biến áp Chúc Sơn 7, trạm biến áp Nhà máy xử lý nước thải trong Cụm công nghiệp Ngọc Sơn (Hà Nội). Gói thầu có 9 nhà thầu nộp HSDT, trong đó chỉ có 1 nhà thầu không đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế xây dựng điện Thăng Long – nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất là 9,208 tỷ đồng (giá dự toán 11,659 tỷ đồng).
Tháng 6/2024, Công ty Điện lực Bến Tre mời thầu Gói thầu Xây lắp công trình thuộc Dự án Nâng cấp, phát triển lưới trung hạ thế, trạm biến áp huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách năm 2024. Theo báo cáo đánh giá HSDT, trong 13 nhà thầu nộp HSDT, có 3 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT. 10 nhà thầu còn lại cạnh tranh về giá. Kết quả, Công ty TNHH Xây dựng điện – Thương mại Rạng Đông trúng thầu với giá 15,906 tỷ đồng (giá gói thầu 21,429 tỷ đồng).
Tăng tiện ích cho đấu thầu minh bạch và hiệu quả
Ông Phan Thành Trung, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu thuộc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, quá trình đánh giá HSDT, đặc biệt đối với phần năng lực, kinh nghiệm được hỗ trợ rất nhiều bởi các thông tin, cơ sở dữ liệu, hồ sơ năng lực của nhà thầu được liên thông dữ liệu với bên thứ 3 trên Hệ thống e-GP. Đây là nguồn thông tin, dữ liệu tin cậy để Bên mời thầu/Tổ chuyên gia đánh giá HSDT chính xác, giúp đánh giá nhiều nhà thầu với thời gian nhanh hơn.
Ông Trung cho rằng, Hệ thống cần tiếp tục liên thông cơ sở dữ liệu với các cấp có thẩm quyền, với các bên thứ 3 để phát huy hiệu quả hơn nữa trong đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đơn cử, liên thông cơ sở dữ liệu thông tin với các trường đại học, cơ sở giáo dục để đối chiếu, kiểm tra bằng cấp của nhân sự chủ chốt; liên thông với các cơ quan đăng kiểm, giao thông vận tải để kiểm tra các nội dung của thiết bị, máy móc… Ngoài ra, khi công khai kết quả LCNT, cần công khai danh sách nhân sự và thiết bị được nhà thầu trúng thầu huy động tham gia gói thầu để kiểm tra, đối chiếu, tránh tình trạng nhân sự, máy móc nhà thầu huy động trùng lặp với gói thầu khác.
Một cán bộ thuộc đơn vị tư vấn đấu thầu có địa chỉ tại TP.HCM cho biết, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng thực hiện gói thầu. Trong quá trình đấu thầu trước đây, các thông tin về năng lực, kinh nghiệm hầu hết dựa vào sự trung thực, tự kê khai của nhà thầu; việc kiểm tra, xác minh gặp nhiều khó khăn, rủi ro dẫn đến năng lực, kinh nghiệm thực tế của nhà thầu được lựa chọn nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Không ít nhà thầu xây dựng HSDT rất “đẹp” nhưng thực tế khi triển khai gói thầu lại chây ì, chậm tiến độ, gây nhiều hệ lụy cho các bên. Việc Hệ thống e-GP bổ sung, công khai minh bạch nhiều thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu giúp tổ chuyên gia/bên mời thầu dễ dàng tiếp cận để đối chiếu, mang lại hiệu quả ngày càng cao trong công tác đánh giá HSDT.
Gần đây, Hệ thống e-GP bổ sung tính năng công khai “kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu” được nhiều người dùng quan tâm, bởi không chỉ giúp ích cho các bên mời thầu trong quá trình đánh giá HSDT mà còn đem lại tác động cạnh tranh tích cực, minh bạch đối với uy tín của nhà thầu trong quá trình thực hiện gói thầu và tham gia đấu thầu. Có ý kiến cho rằng, nên có thêm tính năng đánh giá chi tiết của chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ theo từng giai đoạn để làm rõ tiềm lực tài chính của nhà thầu chính xác theo thời điểm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện thông tin về các khâu (trước, trong và sau) quá trình LCNT đều được công khai toàn diện trên Hệ thống e-GP. Hệ thống e-GP đặt mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu giúp cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng giám sát hoạt động đấu thầu hiệu quả và rất hữu ích đối với tổng thể quá trình tổ chức LCNT tại chủ đầu tư/bên mời thầu thuộc phạm vi quản lý của mình.
CICON – Công ty đấu thầu qua mạng uy tín và chất lượng
Công ty đấu thầu CICON, với bề dày kinh nghiệm và uy tín trong ngành, luôn chú trọng đến chất lượng và hiệu quả trong các hoạt động đấu thầu. Là một trong những công ty có tiếng trong lĩnh vực đấu thầu và xây dựng, Cicon không chỉ tham gia các gói thầu mà còn đưa ra những giải pháp sáng tạo, tối ưu hóa chi phí và thời gian cho khách hàng.
Nhờ việc áp dụng hệ thống đấu thầu trực tuyến, công ty đã có thể tham gia vào nhiều gói thầu với quy mô và tính cạnh tranh cao, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đấu thầu nhờ vào việc công khai minh bạch các thông tin về năng lực và kinh nghiệm. Sự liên kết của CICON với các hệ thống cơ sở dữ liệu giúp công ty dễ dàng đối chiếu, kiểm tra và theo dõi tiến độ các gói thầu, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả.
Điều đặc biệt là CICON luôn duy trì cam kết về chất lượng dịch vụ và sản phẩm, từ việc lựa chọn nhà thầu phụ cho đến việc đảm bảo tiến độ thi công, và chất lượng công trình khi hoàn thành. Những yếu tố này đã giúp CICON không chỉ giành được sự tin tưởng từ khách hàng mà còn tạo dựng được vị thế vững chắc trong ngành đấu thầu và xây dựng.